Cây cà chua, tên khoa học Solanum lycopersicum L, thuộc họ cà Solanacea là cây rau ăn trái được trồng rải rác khắp cả nước với diện tích dao động từ 23 đến 25 ngàn ha mỗi năm. Trong đó các tỉnh phía Nam trồng 9 - 10 ngàn ha, chiếm khoảng 40% diện tích và chủ yếu tập trung ở thủ phủ cây rau Lâm Đồng. Sản xuất cà chua không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu ra thế giới. Do thời tiết thay đổi, áp lực dịch hại tăng vì nhiều lý do nên việc quản lý/ phòng trừ ngày càng phức tạp. Trong bài viết này, chúng tôi tổng hợp và giới thiệu một số biện pháp phòng trừ bệnh hại chính trên cây cà chua.
1/ Bệnh chết cây con
Tác nhân: do nhiều loại nấm gây ra như Pythium; Phytophthora; Botrytis; Rhizoctonia,…
Triệu chứng: vết bệnh thường gây hại ở phần gốc ngay trên mặt đất, nấm tấn công vào gốc làm gốc cây bị thối nhũn và cây bị gãy gục, phần cây bên trên vẫn còn tươi xanh. Sau khi cây gãy gục phần trên mới bị héo đi.
Điều kiện phát sinh - phát triển: bệnh thường gây hại cây con trong vườn ươm hoặc sau khi trồng khoảng một tháng tuổi trong điều kiện nhiệt độ cao và ẩm độ cao. Các loại nấm này có thể gây hại trên cây lớn khi xâm nhiểm qua vết ghép ở phần gốc gần mặt đất.
Biện pháp quản lý:
- Dùng hạt giống không mang mầm bệnh. Dùng gốc ghép chống chịu bệnh.
- Vệ sinh vườn, tiêu hủy tàn dư sạch sẽ sau thu hoạch
- Xử lý giá thể vườn ươm bằng Norshield 86.2WG (25g/bình 20 lít)/Eddy 72WP (50g/ bình 20 lít).
- Nhúng rễ cây con trước khi trồng bằng dung dịch AgriLife 100SL, pha 1ml/ lít.
- Xử lý mặt luống trước khi trồng bằng Norshield 86.2WG hoặc Norshield 58WP (pha 1 – 1.5g thuốc/ 1 lít nước tưới 1m2 luống trồng)
- Phun Norshield 86.2WG (25 g/bình 20 lít)/Eddy 72WP (50 g/bình 20 lít) vào vết ghép, bảo vệ không cho nấm xâm nhiểm từ vết ghép.
2/ Bệnh Úa sớm
Tác nhân: bệnh Úa sớm (Đốm vòng) do nấm Alternaria linariae gây ra, rất phổ biến trên cây cà chua, làm rụng lá và giảm năng suất. Bệnh gây hại trên nhiều loại cây thuộc họ cà như cà chua, cà tím, ớt, khoai tây…
Triệu chứng: vết bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở những lá già có hình tròn hoặc hình bầu dục, màu nâu đen, lúc đầu vết bệnh nhỏ sau to dần, đường kính vết bệnh tới 1 – 2 cm. Quanh vết bệnh thường có quầng vàng và phát triển thành các vòng đồng tâm. Các vết bệnh phát triển và liên kết lại và có thể làm chết toàn bộ lá. Trên thân vết bệnh hình bầu dục, lõm, màu nâu xám. Chỗ phân cành thường dễ bị bệnh làm cho cành gãy gục, chết khô. Trên trái gây thối đen và làm rụng sớm.
Điều kiện phát sinh – phát triển: nhiệt độ thích hợp nhất cho nấm phát triển là 26 – 28oC. Nấm xâm nhập vào cây qua lỗ khí khổng hoặc vết thương, hoặc trực tiếp qua biểu bì. Trời càng nhiều mưa, nhiều sương thì bào tử hình thành càng nhiều. Nấm tồn lưu trong đất, trên tàn dư thực vật và có thể được truyền qua hạt giống, cây giống từ vườn ươm nhiểm bệnh.
Biện pháp quản lý:
- Có điều kiện thì nên trồng trong nhà màng để kiểm soát ẩm độ khi canh tác trong mùa mưa.
- Kiểm tra và chọn nguồn giống sạch bệnh hoặc xử lý bằng Norshield 86.2WG, AgriLife 100SL cho các lô cây giống nhập vườn.
- Xử lý mặt luống trước khi trồng bằng Norshield 86.2WG hoặc Norshield 58WP (pha 1 – 1.5g thuốc/ 1 lít nước tưới 1m2 luống trồng)
- Tạo điều kiện thông thoáng cho ruộng cà chua như mật độ trồng hợp lý, dọn tỉa lá gốc, lá nhiểm bệnh. Tàn dư thưc vật vụ trước phải được thu gom, đem ra khỏi vườn, tiêu hủy.
- Không trồng cây cùng họ cà liên tục nhiều vụ hoặc nhiều năm trên cùng một ruộng mà nên luân canh với cây khác họ và cần thời gian phơi đất giữa 2 vụ.
- Sử dụng thuốc phòng và trị khi bệnh phát triển, phun ngừa bằng Norshield 86.2WG (25g/ bình 20lít), phun trị bằng Envio 250SC (20ml/ bình 20 lít) hoặc phối trộn Envio 250SC + AgriLife 100SL (20ml+20ml/ 20lít)
3/ Bệnh Sương mai (Úa muộn)
Tác nhân: do nấm Phytopthora infestants (P. capsici, P. nicotianae) gây ra . Đây là bệnh hại nghiêm trọng nhất trên cà chua.
Triệu chứng: vết bệnh trên lá lúc đầu có màu xanh đậm như úng nước, sau đó chuyển sang nâu đen, vết bệnh lớn dần, nếu trời ẩm trên bề mặt lớp bệnh có lớp tơ màu trắng bao phủ, bệnh nặng sẽ làm thối nhũn lá, nếu thời tiết khô, vết trên lá cũng khô dòn dễ vỡ. Bệnh gây hại cả trên thân, lá, chùm hoa và trái. Trên trái, bệnh thường gây hại ở vùng cuống trái và thường làm trái dễ rụng.
Điều kiện phát sinh - phát triển: hiện nay bệnh rất phổ biến và thường gây hại nặng trong điều kiện nhiệt độ thấp và ẩm độ cao.
Biện pháp quản lý:
- Tránh canh tác trong mùa mưa nếu không có điều kiện kiểm soát ẩm độ tốt (trồng trong nhà màng).
- Phơi đất, vệ sinh đồng ruộng kỹ trước khi trồng. Tạo điều kiện thông thoáng cho ruộng cà.
- Không trồng liên tục nhiều vụ hoặc nhiều năm trên cùng một ruộng. Luân canh với cây trồng khác họ cà.
- Sử dụng Phytocide 50WP kết hợp với Hợp Trí Kali-Phos (15g + 30 ml/ 16 lít) phun khi bệnh chớm xuất hiện hoặc phun phòng khi thời tiết thích hợp cho bệnh phát triển
4/ Bệnh Héo rũ (héo vàng):
Tác nhân: do nhiều loại nấm trong đất xâm nhiểm như Phytophthora, Pythium, … nhưng phổ biến là Fusarium oxysporium
Triệu chứng: ban đầu là cây bị héo, có thể héo một phần hoặc toàn bộ cây cà chua, triệu chứng sáng tươi - trưa héo, nếu cây đang mang trái thì trái rất dễ rụng. Bệnh tiến triển nặng hơn thì cây không thể hồi phục, lá già vàng rụng trước, sau đến các lá bên trên và cây chết.
Điều kiện phát sinh – phát triển: bệnh thường gây hại nặng trên đất trồng nhiều vụ, đất thoát nước kém, lèn mặt, đất có độ pH thấp, nghèo hữu cơ.
Biện pháp quản lý:
- Xử lý mặt luống trước khi trồng bằng Norshield 86.2WG hoặc Norshield 58WP (pha 1 – 1.5g thuốc/ 1 lít nước tưới 1m2 luống trồng)
- Tăng cường bón phân hữu cơ ủ hoai mục và phân hữu cơ sinh học Hợp Trí Super Humic hoặc hữu cơ vi sinh Hợp Trí Humic Tricho.
- Luôn tạo điều kiện cho đất thoát nước tốt.
- Bổ sung vôi, Dolomite để cải thiện pH đất
- Bổ sung đầy đủ và cân bằng trung vi lượng để tăng cường sức đề kháng cho cây bằng các loại phân bón lá như Bud Booster, Hợp Trí Casi, Hợp Trí Organo TE, Hợp Trí HK NPK 7-5-44 + TE.
- Định kỳ tưới hoặc sục thuốc trừ bệnh Eddy 72WP (50g/ bình 20lít) vào vùng rễ và kết hợp phun Envio 250SC (20ml/ bình 20lít) trên tán lá khi bệnh xuất hiện.
5/ Bệnh Thán thư
Tác nhân: do nấm Collectotrichum phomoides gây ra hoặc một số chủng khác như C. gloeosporioides. C. dematium. C. coccodes. cũng đã được ghi nhận.
Triệu chứng: bệnh thường gây hại nặng trên trái gần chín đến thu hoạch, quả xanh cũng xuất hiện bệnh nhưng vết không rõ ràng và chậm phát triển hơn. Vết bệnh ban đầu trên trái là những đốm nhỏ, hình tròn, lõm. Vết bệnh phát triển nhanh khi trái gần chín, hình thành những vòng đồng tâm, lõm sâu, thịt trái nhạt màu. Tâm vết bệnh sẩm màu, chứa nhiều cụm bào tử. Bào tử phát tán theo giọt nước bắn, theo gió sang các bộ phận khác, cây khác. Trái bị thối. Trên lá quan sát thấy vết sẩm màu, lõm, có quầng vàng, thân, rễ cũng có thể nhiểm bệnh.
Điều kiện phát sinh – phát triển: bệnh thích hợp với điều kiện ẩm độ cao, nhiệt độ trung bình từ 25 – 30oC. Bệnh gây hại nặng trong mùa mưa hoặc ruộng thoát nước kém. Bệnh có thể lây lan trong không khí, nước và các dụng cụ làm nông.
Biện pháp quản lý:
- Sử dụng giống ít bệnh, cây giống được xử lý sạch bệnh trước khi trồng.
- Dùng màng phủ, hạn chế tưới thừa nước, dùng hệ thống tưới nhỏ giọt hạn chế bệnh hơn tưới phun mưa.
- Sử dụng xen kẻ Norshield 86.2WG/ Norshield 58WP (pha 1 – 1.5g thuốc/ 1 lít), Envio 250SC (20 ml/ 20 lít) và tăng cường cơ chế miễn dịch cho cây bằng Hợp Trí Kali-Phos (30 ml/ 16 lít).
6/ Bệnh Phấn trắng
Tác nhân: do nấm Erysiphe lycopercici gây ra.
Triệu chứng: bệnh thường tấn công nặng trên lá trong điều kiện ẩm độ cao, nhiệt độ thấp. Trong điều kiện thuận lợi bệnh xuất hiện trên thân trên chùm quả.
Ban đầu vết bệnh nhỏ, màu trắng, mặt dưới vết bệnh màu xám, sủng nước. Vết bệnh phát triển rất nhanh làm trắng toàn bộ lá. Lá dần chuyển vàng, khô chết.
Điều kiện phát sinh – phát triển: nhiệt độ tối ưu để bệnh phấn trắng phát triển là từ 20 đến 25ºC và độ ẩm tương đối từ 50 đến 70%. Vì vậy vụ Đông – Xuân là vụ bệnh thường phát triển. Đây cũng là vụ chính của cây cà chua trong năm.
Biện pháp quản lý:
- Làm tốt khâu canh tác giúp cây trồng khỏe mạnh, tạo điều kiện bất lợi cho nấm bệnh phát triển.
- Bổ sung dinh dưỡng, cân đối, đầy đủ giúp cây tăng đề kháng
- Xử lý hạt giống, xử lý đất, dọn dẹp sạch tàn dư thực vật hạn chế nguồn lây nhiểm ban đầu.
- Sử dụng luân phiên và hợp lý các sản phẩm thuốc trừ bệnh Norshield 86.2WG (25g/ bình 20 lít), Eddy 72WP (50g/ bình 20 lít), Envio 250SC + AgriLife 100SL (20ml+ 20ml/ 20 lít) hay Phytocide 50WP + Hợp Trí Kali-Phos (20ml+ 20ml/ 20 lít)
7/ Bệnh Thối hạch
Tác nhân: do nấm Sclerotium sp gây ra, bệnh tấn công trên nhiều loại cây như ớt, cà tím , dưa, thuốc lá,…
Triệu chứng: Bệnh thường tấn công ở vùng gốc sát mặt đất và trên trái, vết bệnh thường được bao phủ bởi một lớp tơ dày màu trắng, phần vỏ cây nơi vết bệnh bị thối nhũn. Ở trên trái bệnh thường tấn công giai đoạn từ trái già đến chín và tấn công từ dưới lên, nấm thường tấn công những trái sát mặt đất làm trái bị thối mềm và có lớp tơ màu trắng bao phủ và đôi khi ta thấy có hạch nấm ban đầu trắng sau chuyển màu nâu đỏ đến đen.
Điều kiện phát sinh – phát triển: bệnh thường tấn công trong điều kiện ẩm độ cao, đồng thời nhiệt độ cao từ 25 – 30oC.
Biện pháp quản lý:
- Vệ sinh sạch tàn dư thực vật vụ trước.
- Làm giàn chống đở cho cây để hạn chế gốc thân tiếp xúc nhiều với mặt đất, làm cỏ liếp, tỉa bỏ lá quanh gốc tạo điều kiện thông thoáng cho vườn.
- Tránh tưới nước vào chiều mát.
- Phun phòng vào phần gốc Norshield 86.2WG/Norshield 58WP (pha 20 – 30g thuốc/ 20 lít) hoặc Eddy 72WP (50g/ bình 20 lít) khi cà được 2 tuần sau trồng
- Sử dụng Eddy 72WP (50g/ bình 20 lít) và Envio 250SC (20ml/ bình 20 lít) phun luân phiên khi bệnh chớm xuất hiện. Phun kỹ phần tán gần gốc, phần gốc thân cây cà.
8/ Bệnh Đốm nâu
Tác nhân: do nấm Stemphylium solani; S. lycopersici gây ra
Triệu chứng: bệnh có thể phát sinh từ giai đoạn cây con trong vườn ươm đến cây trồng ngoài đồng. Bệnh phá hại chủ yếu trên lá. Trên lá: ban đầu là những đốm tròn đến bầu dục, kích thước nhỏ, sẩm màu, thấy được ở cả 2 mặt lá, vết mới bị có thể thấy quầng vàng, bệnh xuất hiện trên lá già trước, các vết bệnh xen kẻ gần đều trên lá gây vàng, khô, chết và rụng lá. Nấm cũng gây hại trên thân, nhất là phần thân già nhưng ít gây hại trên quả. Trên quả, vết bệnh hình tròn, màu nâu, lúc đầu nhỏ sau đó lan rộng, trên vết bệnh có lớp nấm màu nâu đen.
Điều kiện phát sinh – phát triển: điều kiện thời tiết thích hợp cho bệnh phát sinh, phát triển và gây hại là nhiệt độ từ 25 – 30oC và ẩm độ từ 85 – 95%. Vụ Xuân Hè bệnh nặng hơn vụ Đông Xuân.
Biện pháp quản lý: giống như với bệnh Phấn trắng.
9/ Bệnh Đốm mốc đen
Tác nhân: do nấm Cladosporium fulvum, còn gọi là Passalora fulva gây ra.
Triệu chứng: Bệnh gây hại trên lá già trước, ban đầu là đốm màu vàng xanh, không có rìa rõ ràng, hình thành ở mặt trên của lá. Mặt dưới vết bệnh hình thành lớp mốc xanh xám như phủ nhung, các vết bệnh liên kết, chuyển sang nâu làm lá héo, chết nhưng thường không rụng. Bệnh cũng gây hại trên chùm hoa, cuống trái thành vết đen, lõm, sau khô rụng
Điều kiện phát sinh – phát triển: Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ > 85%, ẩm độ cao nấm hình thành nhiều bào tử và lây lan mạnh. Bào tử dể dàng lây qua gió, mưa, công cụ và côn trùng.
Biện pháp quản lý:
- Kiểm soát tốt ẩm độ vườn: trồng trong nhà màng, mật độ trồng hợp lý, tỉa bỏ lá già gần gốc.
- Thu dọn sạch tàn dư thực vật vụ trước.
- Chọn giống ít nhiểm, giống sạch bệnh hoặc xử lý giống bằng AgriLife 100SL.
- Phun thuốc AgriLife 100SL (20ml/ bình 20 lít), Envio 250SL (20ml/ bình 20 lít) khi thấy bệnh xuất hiện.
10/ Bệnh Mốc xám
Tác nhân: do nấm Botrytis cinerea gây ra.
Triệu chứng: bệnh tấn công trên tất cả các bộ phận khí sinh của cây. Trên lá già xuất hiện các vết màu xanh lục hoặc vàng xanh, trên bề mặt vết bệnh có lớp tơ dày, màu xám - đây là bào tử của nấm, bào tử dễ dàng lây lan qua gió đến các phần khác của cây. Trên thân, vết mốc xám xuất hiện gần gốc làm thối 1 phần hoặc bao quanh thân gây chết hẳn. Phổ biến và nguy hiểm nhất là bệnh gây hại trên trái với vết bệnh ướt, sau phủ lớp tơ dày, gây thối và rụng trái.
Điều kiện phát sinh – phát triển: Mầm bệnh lưu tồn trong tàn dư thực vật, sống dạng hoại sinh. Bào tử lây lan nhờ gió, nước mưa hay nước tưới. Bệnh gây hại trên nhiều loại cây trồng như ớt dưa, đậu, bắp cải, xà lách,..
Biện pháp quản lý: giống như với bệnh Đốm mốc đen.
11/ Bệnh Đốm xám trên lá
Tác nhân: do nấm Cercospora fuligena gây ra.
Triệu chứng: bệnh bắt đầu ở các lá già bên dưới và lan dần lên trên. Lúc đầu là những đốm vàng trên mặt lá, rìa vết bệnh không rõ ràng ở cả hai mặt. Ở mặt dưới lá tại các vết bệnh xuất hiện tơ nấm có màu nâu hoặc nâu sẫm có chứa các bào tử. Các vết bệnh liên kết lại với nhau làm lá bị khô, rủ xuống và chết sau đó lá bị rụng.
Điều kiện phát sinh – phát triển: Bệnh tồn lưu trên tàn dư cây bệnh, bào tử truyền lan trong không khí, bệnh phát triển mạnh khi thời tiết ấm vầ ẩm ở vụ Hè Thu
Biện pháp quản lý: giống như bệnh Đốm nâu.
12/ Bệnh héo xanh vi khuẩn
Tác nhân: do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra (Ralstonia solanacearum). Vi khuẩn có thể tấn công nhiều loại cây trồng như cà chua, cà tím, khoai tây, thuốc lá, hồ tiêu, chuối, đậu phộng,…
Triệu chứng:
Héo trên lá non hay 1 phần lá, thân; phục hồi vào buổi tối. Quá trình héo-phục hồi lập lại vài ngày, sau đó cây héo và chết hẵn, lá vẫn xanh chưa kịp chuyển vàng. Triệu chứng này có thể xuất hiện trên nhiều giai đoạn phát triển của cây. Phần mô trong thân có thể tổn thương, đổi màu. Cắt ngang thân có dịch tiết màu trắng sữa, dễ thấy khi đưa vào nước.
Điều kiện phát sinh – phát triển:
Bệnh phát sinh mạnh trong điều kiện đất chua, thoát nước kém hoặc tưới quá nhiều. Nhiệt độ thích hợp cho bệnh là 28-32oC.
Biện pháp quản lý: Đây là 1 bệnh khó trị nên phải áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế nhiểm, lây lan và ảnh hưởng năng suất.
- Sử dụng giống chống chịu hoặc dùng gốc ghép kháng bệnh.
- Xử lý mặt luống trước khi trồng bằng Norshield 86.2WG hoặc Norshield 58WP (pha 1 – 1.5g thuốc/ 1 lít nước tưới 1m2 luống trồng)
- Ruộng phải thoát nước tốt, không tưới quá nhiều, quản lý nguồn nưới tưới, không sử dụng nước nhiểm bệnh từ ao hồ khác.
- Bón vôi, Dolomite để nâng cao pH.
- Vệ sinh sạch cỏ dại, cây ký chủ phụ.
- Phun/tưới đẩm vùng gốc rễ bằng Norshield 86.2WG (25g/ bình 20lít) /Eddy 72WP (50g/ bình 20 lít) định kỳ 2 – 3 lần trong vụ.
13/ Bệnh Đốm lá vi khuẩn
Tác nhân: Do vi khuẩn Pseudomonas syringae pv tomato gây ra
Triệu chứng: Bệnh có thể xuất hiện cả trên lá, thân và quả, ban đầu rất khó phân biệt với các bệnh khác. Trên lá, triệu chứng xuất hiện là những đốm đen, đường kính thường không quá 2 mm, xung quanh thường có quầng vàng, đôi khi làm cho lá bị biến dạng. Vết bệnh thường tập trung ở gần mép lá, liên kết lại làm cháy mép lá, chết cả lá . Bệnh thường chỉ xuất hiện trên quả xanh, là các đốm đen nhỏ dưới 1-3 mm , được bao quanh bởi một quầng hẹp màu xanh lục đến vàng. Tổn thương thường ở bề ngoài và có thể cạo ra. Vết bệnh màu đen vẫn còn sau khi quả chín.
Điều kiện phát sinh phát triển:
Bệnh lây lan qua hạt giống, tàn dư thực vật nhiểm bệnh. Bệnh lây lan nhanh trong điều kiện mưa, có giọt nước bắn hoặc qua các vết tổn thương cơ giới do cắt tỉa, thu hoạch, vết côn trùng cắn phá,…
Biện pháp quản lý:
- Xử lý đất/giá thể trước trồng bằng Norshield/ Eddy tưới đẩm.
- Xử lý giống, nhúng qua dung dịch Agrilife 1ml/ lít.
- Thu dọn sạch tàn dư thực vật vụ trước, tiêu hủy. làm sạch cỏ dại, cây họ cà là ký chủ phụ của bệnh.
- Hạn chế các vết tổn thương cơ giới, do côn trùng cắn phá.
- Xử lý thuốc trừ VK sau đợt tỉa cành, tỉa lá già, thu hoạch trái. Khi trồng ngoài trời, sau đợt mưa to cũng nên xử lý thuốc trừ vi khuẩn.
- Cung cấp đầy đủ trung vi lượng giúp cây tăng cường đề kháng (Hợp Trí Casi, Hợp Trí Organo TE, Hợp Trí NPK HK 7:5:44,…)
- Sử dụng Norshield 86.2WG (25g/ bình 20lít) /Eddy 72WP (50g/ bình 20lít) phun xen kẻ với AgriLife 100SL (20ml/ bình 20lít)
14/ Bệnh Đốm trái do vi khuẩn:
Tác nhân: Do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. vesicatoria gây ra. Ghi nhận có đến 4 dòng A, B, C và D gây hại cây trồng. Bệnh cũng gây hại trên ớt.
Triệu chứng:
Vi khuẩn có thể tấn công trên thân, lá, hoa và quả. Ban đầu là những vết nhỏ, hình tròn đến không đều, sẩm màu, có thể có quầng vàng bao quanh. Vết bệnh tập trung ở mép lá, ngọn lá. Trong điều kiện thuận lợi vết bệnh có thể đến 3-5mm, lá bệnh bị cháy, vàng và rụng. Trên quả, bệnh xuất hiện lúc còn xanh, cũng là những đốm sẩm màu, chuyển sang nâu khi quả gần chín.
Điều kiện phát sinh phát triển:
Bệnh có thể lây lan qua hạt giống, tàn dư thực vật nhiểm bệnh, qua các công cụ, thiết bị trong nhà màng. Vi khuẩn phát tán nhanh trong giọt nước bắn, qua nước mưa và sau các đợt cắt tỉa, thu hoạch qua vết tổn thương.
Biện pháp quản lý: giống như bệnh đốm lá vi khuẩn
15/ Bệnh Ghẻ vi khuẩn
Tác nhân: do vi khuẩn Clavibacter michiganensis subsp. Michiganensis gây ra
Triệu chứng: Vết cháy trên lá thường ở mép, chuyển vàng đến nâu, mép lá cuộn lên và chết. Tổn thương trong phần thân có thể thấy khi chẻ thân ra, mạch bị chuyển màu sang nâu, trên cây con bệnh có thể chết nhưng trên cây lớn thường chỉ gây chết lá gốc, già. Trên trái là những đốm trắng có tâm sẩm đen nên thường gọi là đốm mắt chim. Khi cây nhiểm bệnh trên thân có thể hình thành những nốt u sưng.
Điều kiện phát sinh phát triển:
Mầm mống bệnh có thể tồn tại trong hạt giống và trong tàn dư thực vật nhiểm bệnh, trên ký chủ phụ là cỏ, cây họ cà khác. Bệnh lây lan qua đường vết thương kể cả vết thương ở rễ, qua vết hở tự nhiên. Vi khuẩn từ cây bệnh lây lan nhanh theo giọt nước bắn, theo nước mưa hoặc tưới.
Biện pháp quản lý: giống như bệnh đốm lá vi khuẩn.
Ks Phan Quốc Hùng
Phòng NC và PTSP
Chi tiết về sản phẩm có tại địa chỉ website hoptri.com, mục sản phẩm hoặc giải pháp – quy trình.
Tài liệu tham khảo:
- Tien-Cheng Wang: Tomato diseases
- Utah State University: Utah vegetable production&Pest Management Guide
- https://extension.umn.edu/sites/extension.umn.edu/themes/custom/coffey/images/ext-logo.svg
- https://pnwhandbooks.org/profiles/ext_pnwhandbooks/themes/pnwhandbooks_bs/logo.png
- https://plantpath.ifas.ufl.edu/rsol/trainingmodules/bwtomato_module.html
- https://extension.usu.edu/vegetableguide/tomato-pepper-eggplant/bacterial-canker