Ông gửi thư này ngay sau khi ông Nguyễn Xuân Cường được Quốc hội phê chuẩn giữ chức bộ trưởng Bộ NN&PTNT với mong muốn thông qua Tuổi Trẻ, những kiến nghị này sẽ được chuyển đến tân bộ trưởng.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết này:
Nông nghiệp giai đoạn I (1975-2015) “tất cả vì an ninh lương thực” đã làm xong vai trò lịch sử từ năm 1989 (ổn định xã hội, sản xuất bảo đảm an ninh lương thực, dư thừa lương thực làm nghĩa vụ quốc tế), nhưng cả hệ thống vẫn duy trì nhiệm vụ suốt 40 năm.
Chúng ta đã phải trả giá rất đắt: đầu tư nhà nước rất cao, chi phí sản xuất rất cao, giá bán sản phẩm thấp vì chất lượng sản phẩm không cao (hàm lượng chất xám trong sản phẩm thấp). Sản phẩm nông nghiệp trên thị trường nội địa đang đe dọa sức khỏe của nhân dân; sản phẩm xuất khẩu đi thường xuyên bị trả về vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Và vì thế nên đa số nông dân ta còn nghèo.
Cái nghèo của phần lớn nông dân xuất phát từ trình độ học vấn hạn chế của nông dân - theo kinh nghiệm lão nông chứ ít theo quy trình công nghệ cao (GAP).
Nông dân vốn không tích lũy, mỗi vụ sản xuất phải ghi nợ mua vật tư nên dễ bị các đại lý vật tư nông nghiệp o ép sử dụng đủ loại hóa chất bảo vệ thực vật độc hại.
Họ bón phân không cân đối, phần lớn thích bón nhiều phân đạm, ít bón phân hữu cơ. Tưởng sẽ đạt năng suất cao, nhưng thực tế họ đã quyến rũ nhiều sâu bệnh, phải phun thuốc nhiều, vừa làm sản phẩm bị bẩn vừa làm ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, vừa tăng chi phí sản xuất.
Nhìn sang những quốc gia tiến bộ ở châu Âu, Mỹ hoặc Úc, thí dụ như ở Hà Lan, Đan Mạch... nông dân nào không có học và không có chứng chỉ nông nghiệp đều không được nhà nước cho phép làm ruộng.
Nhờ vậy khi sản xuất nông nghiệp họ biết tuân thủ theo quy hoạch của nhà nước. Trước đó nhà nước đã lo nghiên cứu các biện pháp nuôi trồng sản phẩm tối hảo để nông dân áp dụng có lời.
Ở nước ta hoàn toàn khác, người không có học mới làm nông dân, kể cả khi có hợp tác xã thì tất cả các chức danh đều do nông dân đảm trách, trong khi người có học chính quy về nông nghiệp không tham gia.
Tình trạng này đã đưa đến hiện trạng nông nghiệp của Việt Nam thành sản xuất sản phẩm nguyên liệu không an toàn vì sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, giá thành quá cao, bán sản phẩm nguyên liệu cho thương lái là chính.
Thiên tai hiếm có trong năm 2016: hạn hán, nguồn nước cạn kiệt vì nước sông Cửu Long không về đủ khiến nước mặn xâm nhập sâu hơn... đã dạy cho chúng ta bài học nhớ đời: thiên tai xảy đến do nhân tai gây ra biến đổi khí hậu.
Rừng đầu nguồn từ Vân Nam xuống đến Campuchia bị phá, hàng chục đập thủy điện công suất cao đã và đang được xây dựng từ Vân Nam sang Lào và Campuchia; hàng ngàn đập thủy lợi đã và đang được xây tại vùng đông bắc Thái Lan; hàng triệu nông dân trồng lúa cao sản Việt Nam đang liên tục thải khí nhà kính N2O và NO2 vào khí quyển vì bón nhiều phân đạm khơi trên mặt ruộng.
Một nhân tai quan trọng nữa phải kể là đầu óc “an ninh lương thực” của lãnh đạo địa phương cứ luôn nghĩ cách ngăn chặn nước mặn vào vùng mặn ven biển, đồng thời xây dựng công trình thủy lợi dẫn nước ngọt về làm ngọt hóa vùng mặn quá tốn kém để trồng lúa nhưng thất bại rất nặng nề.
Chúng ta hoàn toàn có thể tránh tình trạng này do nhân tai gây ra nếu thấy nước mặn là một tài nguyên quý thay vì là kẻ thù, nhất là trong thời kỳ biến đổi khí hậu, nước ngọt bị giới hạn.
Bước sang nông nghiệp giai đoạn II, bắt đầu từ Đại hội Đảng lần thứ XII - Đại hội Đảng đổi mới với một nội các mới và với bộ trưởng mới, chúng tôi tin tưởng có một sự đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế đất nước ta, đặc biệt trong ngành nông nghiệp.
Đổi mới tư duy trong phát triển nông nghiệp trước tiên phải khắc phục quán tính “chỉ biết làm lương thực” như trong nông nghiệp giai đoạn I, mà nên chuyển sang nông nghiệp “làm giàu”.
Chúng ta không sợ gì thiếu lương thực. Nhiều quốc gia không trồng lương thực gì cả mà vẫn ăn ngon và giàu có. Từ đây mỗi một chương trình phát triển phải được phân tích hiệu quả đồng vốn đầu tư, phải có lời lớn thật sự mới đầu tư.
Mọi nông dân cũng như mọi cán bộ lãnh đạo/chỉ đạo nông nghiệp đều biết là trồng nhiều loại cây trồng khác cây lúa như rau cải, cây ăn trái... nuôi tôm, cua... đều có lời gấp mấy lần trồng lúa, nhưng họ vẫn quay về trồng lúa vì cơ sở vật chất cho cây lúa đã có sẵn rồi.
Muốn làm giàu với cây trồng, vật nuôi khác phải có nhà nước tạo điều kiện về cơ sở vật chất (thủy lợi, kỹ thuật GAP, cơ sở chế biến, thị trường, vốn đầu tư) và có những doanh nhân có đầu óc kinh doanh.
Vấn đề là Bộ NN&PTNT cần có định hướng phát triển để làm giàu thay vì chỉ tập trung cho hướng lương thực. Cần phát huy thế mạnh về trồng trọt với cây ăn quả, cây rau màu cao cấp, cây công nghiệp, về chăn nuôi với gà hữu cơ (thả vườn), về thủy sản với các loại cá, tôm, cua, hải sản.
Trong giai đoạn đổi mới này, Bộ NN&PTNT không để cho nông dân và doanh nghiệp “tự bơi” nữa, mà mỗi định hướng của bộ sẽ có quy hoạch vùng kèm theo biện pháp, tổ chức hạ tầng và chính sách khuyến khích nông dân, doanh nghiệp tham gia.
Trong quy hoạch, chúng ta mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu lúa sang các đối tượng cây trồng khác. Thí dụ chuyển đổi vùng bao đê trồng lúa 3 vụ sang trồng xoài, bưởi, vú sữa, sầu riêng.
Ở đồng bằng sông Hồng chuyển các vùng lúa sang trồng vải thiều đón đầu trong tương lai khi nhu cầu vải thiều Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ tăng vọt, vì chất lượng vải của ta ngon hơn vải của Thái Lan.
Hoặc mở rộng diện tích trồng khoai tây trong vụ đông thay vì trồng lúa năng suất thấp mà thường bị hại vì rét. Khoai tây của miền Bắc thu hoạch vào tháng 2-3, đúng lúc khoai tây của các quốc gia Tây phương vừa được ăn hết.
Trong chuyển đổi này, các doanh nghiệp đầu ra đóng vai trò rất quyết định, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương cần ưu tiên giúp.
Người nông dân trong nông nghiệp giai đoạn II cần được đổi mới bằng cách tham gia hợp tác xã (HTX) kiểu mới: nơi thuận lợi nhất cho họ được học thấm nhuần quy trình sản xuất theo kỹ thuật công nghệ cao (theo GAP có tham khảo các quy định chất lượng của các nước nhập khẩu).
Nhà doanh nghiệp đầu ra và ngành nông nghiệp sẽ phụ trách việc đào tạo nông dân đổi mới có tay nghề sản xuất theo GAP và theo dõi đôn đốc nông dân suốt quá trình sản xuất. Như thế nông dân trong vùng quy hoạch cần hợp lại trong các HTX kiểu mới.
Nông dân cá thể với đất đai manh mún sẽ không thể phát triển theo hướng làm giàu này được. Để mọi nông dân hăng hái và tự nguyện gia nhập HTX kiểu mới, Luật HTX cần phải được sửa đổi ngay, thế nào cho nông dân nhận thức được vai trò của mình trong giai đoạn mới.
Đưa nông dân vào HTX kiểu mới sẽ giải quyết vấn đề học vấn của nông dân, bắt buộc nông dân làm theo quy trình GAP sẽ giảm giá thành sản xuất, ít sử dụng phân hóa học, nhất là phân đạm, tự nhiên sâu bệnh cũng ít xuất hiện nên cũng ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Doanh nghiệp nhờ có nguyên liệu sạch, có xuất xứ rõ ràng sẽ chế biến ra các sản phẩm có thương hiệu cạnh tranh. Do đó chúng ta sẽ cải tiến tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, làm tăng thu nhập nông dân, của doanh nghiệp và tăng GDP quốc gia.
Một điểm quan trọng nữa bộ trưởng nên sớm đưa vào chương trình hành động là sau khi đã sửa Luật HTX nông nghiệp, việc vận động Đảng và Quốc hội sửa lại Luật đất đai.
Việt Nam muốn được cộng đồng thế giới đối xử như một quốc gia có nền kinh tế thị trường thật sự thì nên bỏ mức hạn điền và công nhận đất tư nhân, để người dân có toàn tâm đầu tư vào mảnh đất của mình sản xuất hiệu quả nhất.
Chúng tôi đặt niềm tin vào sự sáng suốt của tân bộ trưởng, có quyết tâm với những định hướng làm giàu cho đất nước, quyết tâm cưỡng lại các nhóm lợi ích đã làm chậm tiến nông nghiệp và nông dân ta trong suốt 40 năm qua.
Giáo sư VÕ TÒNG XUÂN
(Tuổi Trẻ Online)