Tập trung cho lúa Hè Thu chính vụ
Ông Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, để chủ động xuống giống cũng như bảo vệ SX, ngành đã đề ra lịch thời vụ gieo sạ riêng cho từng vùng trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo các địa phương xuống giống lúa HT chính vụ tập trung trong tháng 4 là 70% diện tích, còn lại là trong tháng 5. Cụ thể, đợt 1 gieo sạ từ ngày 5/4 - 20/4, đợt 2 từ 5/5 - 20/5.
Theo đó, đối với các huyện chủ động được nguồn nước bơm tưới thuộc vùng Tây sông Hậu (Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao) và Tứ giác Long Xuyên (Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, TP Rạch Giá) sẽ tập trung xuống giống trong đợt 1. Các địa phương khó khăn về nguồn nước, có nguy cơ bị hạn, mặn vào đầu và giữa vụ thì gieo sạ trong đợt 2.
Riêng đối với các huyện vùng U Minh Thượng (An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận) do bị ảnh hưởng mặn, phải đợi mưa nhiều mới gieo sạ thì xuống giống cuối tháng 5, đầu tháng 6, nhưng chậm nhất không quá ngày 15/6.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cày ải phơi đất
Đối với vùng SX lúa 3 vụ/năm, cần phải tranh thủ gieo sạ lúa HT sớm để kịp thời vụ xuống giống lúa TĐ, tranh thủ nguồn nước ngọt từ các sông, rạch để bơm tưới gieo sạ tâp trung trong khung thời vụ từ 5/3 - 15/4 (đợt 1 từ 5/3 - 20/3; đợt 2 từ 5/4 - 15/4).
Trung tâm KN-KN Kiên Giang khuyến cáo nông dân sau khi thu hoạch lúa ĐX nên cày ải phơi đất, tăng cường bón các loại phân hữu cơ vi sinh để cải tạo đất, phân hủy rơm rạ, đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa tối thiểu từ 15 - 20 ngày.
Xây dựng 60.000 ha lúa chất lượng cao
Triển khai đề án quy hoạch phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao 120.000 ha của tỉnh (giai đoạn từ nay đến năm 2015), vụ HT này tỉnh phân bổ cho các huyện thực hiện 60.000 ha.
Cụ thể, Tân Hiệp 20.000 ha, Giồng Riềng 12.000 ha, Hòn Đất 10.500 ha, Gò Quao 10.000 ha, Châu Thành 5.000 ha và TP Rạch Giá 2.500 ha.
Đây sẽ là vùng chuyên canh lúa hàng hóa lớn, có chất lượng và đồng nhất về chủng loại nhằm phục vụ cho công tác thu mua, chế biến xuất khẩu của các DN.
Ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo lồng ghép các hoạt động khuyến nông, BVTV, nhân giống lúa để phục vụ SX vùng lúa chất lượng cao. Mời gọi các DN kinh doanh lúa gạo, vật tư nông nghiệp liên kết đầu tư SX và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Về cơ cấu giống lúa, ngành nông nghiệp chỉ đạo cũng như khuyến cáo các địa phương trong tỉnh tập trung gieo sạ các giống chất lượng cao chiếm tỷ lệ từ 60 - 70%; nhóm giống chất lượng thấp, năng suất cao (IR 50404, OM 576...) chiếm không quá 20%, còn lại là nhóm lúa thơm đặc sản.
Ông Mai Anh Nhịn, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang chỉ đạo: "Các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần tăng cường khuyến cáo nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống; xây dựng các mô hình trình diễn, mở rộng diện tích áp dụng kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, sử dụng giống xác nhận trong SX, bón phân cân đối, quản lý dịch hại tổng hợp, đẩy mạnh cơ giới hóa, nhất là trong khâu thu hoạch, phơi sấy.
Triển khai nhân rộng các mô hình cánh đồng mẫu lớn SX lúa theo hướng VietGAP, dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) tài trợ; kết hợp với các Cty để cung cấp vật tư nông nghiệp với giá ưu đãi cho nông dân, tìm kiếm DN đặt hàng và bao tiêu sản phẩm lúa hàng hóa".
Theo Báo Nông Nghiệp Việt Nam