Các đại biểu tham quan CĐML tại huyện Tuy Phước ở vụ ĐX 2011-2012.
Cách đây 3 năm vụ Thu 2009-2010 mô hình “Cùng nông dân ra đồng” đầu tiên được xây dựng tại xã Phước Quang, do Sở NN-PTNT, UBND huyện Tuy Phước cùng Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) Phước Quang phối hợp thực hiện trên diện tích 50 ha, sạ giống Bio 404, có hơn 400 hộ nông dân tham gia.
Kết quả, mô hình năng suất lúa đạt 76 - 80 tạ/ha, lợi nhuận tăng gần 150 nghìn đồng/ sào so với ruộng đối chứng.
Ở vụ Đông Xuân năm 2010-2011 Mô hình “Cánh đồng mẫu” gắn với Hội thi máy gặt đập liên hợp các tỉnh phía Nam do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNN, UBND huyện Tuy Phước thực hiện tại HTXNN 2 Phước Sơn, quy mô diện tích 50 ha, sạ giống DV108, có 264 nông hộ tham gia.
Công ty CP Phân bón Bình Điền hỗ trợ vật tư phân bón không tính lãi. Kết quả, năng suất đạt 75 tạ/ha, phục vụ tốt cho hội thi máy gặt đập liên hợp các tỉnh phía Nam, lợi nhuận tăng trên 300 ngàn đồng/sào so với ruộng đối chứng.
2 vụ ĐX (2010-2011 và 2011-2012) HTX NN Phước Hưng liên kết với Tổng Công ty CP giống Thái Bình, ký kết hợp đồng với 1.708 hộ xã viên, liên kết sản xuất giống CĐML trên diện tích 220 - 264 ha/vụ, lúa giống BC15 gieo sạ do Công ty cho mượn.
Kết quả, năng suất 76 tạ/ha, xã viên được hưởng lợi nhuận trên 2 tỉ đồng/vụ. Cũng thời điểm trên tại HTX NN 1 Phước Thắng (nay là HTX NN Phước Thắng) phối hợp với Công ty Cổ Phần Đầu Tư Hợp Trí, Công ty CP phân bón Bình Điền và Tổng Công ty Giống Thái Bình thực hiện mô hình CĐML trên diện tích 50 ha tại thôn Lương Bình, năng suất lúa qua thu hoạch đạt bình quân 72 tạ/ha, lợi nhuận hơn 200 nghìn đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình…
Theo đánh giá của UBND huyện Tuy Phước, trước đây việc canh tác lúa của nông dân địa phương đều thực hiện không đồng bộ nên hiệu quả kinh tế thấp.
Sau khi tham gia mô hình CĐML, được ngành chức năng chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch hại tổng hợp và đồng bộ bảo vệ được môi trường; các chi phí giống, phân bón, vật tư đều giảm, trong khi cả năng suất, chất lượng lúa và lợi nhuận đều tăng.
Các hộ tham gia mô hình đều có lợi nhuận đạt từ 30 - 40%. Hiệu quả mang lại của CĐML khá vượt trội so với cách làm nhỏ lẻ trước đây và tạo hiệu ứng tích cực đối với người dân.
Nếu thực hiện 2 vụ cho năng suất trên 15 tấn/ha sẽ hiệu quả hơn nhiều so với làm 3 vụ/năm (bởi sản xuất 3 vụ/năm chưa chắc năng suất đạt 15 tấn/ha), thời gian nông nhàn nhiều tạo cơ hội nông dân có thêm việc làm khác nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống.
Để tạo bước đột phá trong xây dựng CĐML ngay trong vụ sản xuất ĐX 2012 – 2013 UBND huyện Tuy Phước triển khai xây dựng 11 mô hình CĐML, qui mô diện tích mỗi cánh đồng từ 30 – 80 ha, ở 6 xã (Phước Hưng, Phước Thắng, Phước Lộc, Phước Sơn, Phước Nghĩa và Phước Quang) trên diện tích 535 ha, có 2.720 hộ nông dân tham gia.
Trong đó, có 7 mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ giống lúa với diện tích 345 ha, 4 mô hình sản xuất lúa cộng đồng diện tích 190 ha.
Đến nay, đã có 7 đơn vị doanh nghiệp đăng ký tham gia cánh đồng mẫu lớn, gồm: Tổng Công ty CP giống Thái Bình, Công ty CP vật tư nông nghiệp Bình Định, Công ty Cổ Phần Đầu Tư Hợp Trí, Công ty phân bón Biffa, Công ty phân bón Bình Điền, Công ty TNHH nông lâm nghiệp TBT và Công ty CP giống cây trồng Miền Trung.
Các doanh nghiệp trên cam kết cung ứng đầy đủ các dịch vụ đầu vào, như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chuyển giao KHKT… và thu mua toàn bộ lượng giống sản xuất.
Về phía huyện cũng đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện và xã, cử 1 cán bộ kỹ thuật phụ trách 10 ha/ 1 nhóm, chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân theo phương thức ‘cầm tay chỉ việc”, cứ 5 ha huyện hỗ trợ 1 công cụ sạ hàng, hỗ trợ 1 xe phun xịt thuốc bảo vệ thực vật cho 1 HTX NN đang sản xuất cánh đồng mẫu lớn, hỗ trợ 100% Super Humic cho toàn bộ diện tích CĐML.
Riêng 2 xã làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), gồm xã Phước Nghĩa được hổ trợ 50% giá giống và xã Phước Hưng được hỗ trợ 100% Super Humic từ nguồn xây dựng NTM.
Các HTX NN là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện CĐML, là đầu mối liên kết với các doanh nghiệp thông qua hợp đồng, cũng trực tiếp là đơn vị cung ứng tất cả các dịch vụ cho nông dân nên ngoài khoản hỗ trợ của doanh nghiệp đều không tính lãi suất đối với hộ nông dân tham gia CĐML.
Xuân Thức
Theo hoinongdanbinhdinh.org.vn